Ở nước Anh

Các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa ở Anh tập trung vào những vấn đề chung, xuyên suốt của các phân ngành cụ thể như phát triển tài năng sáng tạo, môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp sáng tạo, phát triển khán giả, thị trường, bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Ngoài vấn đề hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan, có nhiều tổ chức quản lý tập thể thu tiền bản quyền trong các lĩnh vực khác nhau. Các tổ chức này do các đơn vị ngoài Nhà nước đứng ra quản lý và điều hành. Nhiều tổ chức cùng hoạt động sẽ tạo ra sự cạnh tranh, tạo thêm sự lựa chọn cho cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ về văn hóa.

Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, Tổng cục Công nghiệp Văn hóa được thành lập trực thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch bao gồm 6 cục khác nhau là Cục Công nghiệp văn hóa, Cục Xuất bản và Báo chí, Cục Truyền hình Phát thanh và Quảng cáo, Cục Phim và Video, Cục Truyền thông tương tác và Cục Xúc tiến nội dung văn hóa. Chính sách xúc tiến công nghiệp văn hóa còn thúc đẩy, hỗ trợ cho công nghệ cao và kỹ thuật thông tin. Để phát triển được các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, chính phủ Hàn Quốc có những chính sách đồng bộ về ưu đãi thuế, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy môi trường kinh doanh.

Nhật Bản

Một số sáng kiến khác đã hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản bao gồm: Hợp tác chặt chẽ liên ngành giữa các Bộ, ban ngành (du lịch, văn hóa, kinh tế, thương mại,…) cũng là một trong những yếu tố khiến cho nhiều chiến lược, chương trình quốc gia về công nghiệp nội dung, công nghiệp sáng tạo của Nhật Bản có thể thành công. Nhật Bản tạo điều kiện để kết nối di sản văn hóa với phát triển du lịch và phát triển công nghiệp sáng tạo: Việc bảo tồn di sản văn hóa được gắn kết chặt chẽ không chỉ với phát triển du lịch văn hóa mà còn là tài nguyên có khả năng khai thác, tái tạo cho các hoạt động của nhiều lĩnh vực công nghiệp sáng tạo như thời trang, thiết kế, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác…

Singapore

Các ngành học mang tính sáng tạo được chính phủ Singapore xác định là một động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong nền kinh tế mới. Singapore đã phát triển phương thức giáo dục được đánh giá cao về tính khoa học và tổ chức tốt với triết lý: Đào tạo luôn đi đôi với nhu cầu của thị trường. Các chương trình đào tạo về sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật rất đa dạng và phong phú. Với chiến lược tìm kiếm các nhân viên trẻ, năng động và sáng tạo của các tập đoàn, các sinh viên tốt nghiệp ngành công nghiệp sáng tạo luôn có một cơ hội việc làm rất lớn nhờ có sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các trường học và doanh nghiệp.

Trung Quốc

Từ năm 2012, Trung Quốc triển khai các chính sách trọng điểm nhằm phát triển công nghiệp văn hóa, kích thích sáng tạo văn hóa, hình thành các giá trị từ đó từng bước xác lập vị thế nước lớn về văn hóa trên phạm vi toàn cầu. Một số hoạt động cụ thể như: Hướng phát triển công nghiệp văn hóa vào việc xây dựng môi trường phát triển văn hóa có lợi cho đổi mới, sáng tạo; từng bước hoàn thiện môi trường thị trường, môi trường pháp luật và môi trường chính sách phát triển văn hóa. Cải cách doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào việc tái tạo chủ thể thị trường văn hóa, cải cách chế độ nhân sự. Xuất khẩu công nghiệp văn hóa bằng cách hỗ trợ có trọng điểm các phương diện như thiết kế, phiên dịch, phối âm, mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao năng lực tiếp nhận và tái sáng tạo, tăng cường hỗ trợ về thuế…

Dương Viết Huy