Bảo vệ bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo luôn là một nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng được tỉnh Nam Định chú trọng, quan tâm sâu sát.

Tỉnh Nam Định có đường bờ biển dài 72km, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, là thế mạnh để phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Do đó, bảo vệ bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo luôn là một nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng được tỉnh chú trọng, quan tâm sâu sát.

Những năm qua, các ngành chức năng và các địa phương có biển tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tăng cường hệ thống quan trắc nước mặt (trên các sông, ao, hồ), nước ngầm (nhất là khu vực ven biển có túi nước ngầm), nước thải ít nhất 2 đợt/năm. Thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển; tiến hành kiểm tra thẩm định đạt yêu cầu về môi trường trước khi cho phép đi vào hoạt động; tăng cường công tác hậu kiểm; từ đó thống kê, lập danh mục các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.

Để bảo vệ môi trường biển, các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom xử lý rác thải ven biển. Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các huyện đã phối hợp với tổ chức Đoàn của Bộ đội Biên phòng tổ chức ra quân bảo vệ môi trường biển.

Tích cực hưởng ứng các chương trình, phòng trào

Năm 2023, nhiều hoạt động, chương trình, phong trào làm sạch – bảo vệ môi trường biển do địa phương, cơ quan, đơn vị… phát động đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ủng hộ, tham gia.

Tiêu biểu như tháng 3, hoạt động với chủ đề “Chung tay làm sạch biển Giao Hải – Cùng vẽ đại dương thêm xanh” đã thu hút hơn 400 tình nguyện viên gồm đoàn viên từ các đơn vị phối hợp tổ chức và giảng viên Trường ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và học sinh trường THCS Giao Hải, THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định).

Đầu tháng 10 vừa qua, Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Nam Định, UBND huyện Giao Thủy, Đoàn Thanh niên huyện tổ chức chương trình làm sạch bờ biển năm 2023 tại khu vực biển thị trấn Quất Lâm.

Theo hướng dẫn sẽ có 42 loại rác được thu gom phân loại, đó đều là rác nhựa, đồ thủy tinh dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ được thu gom, kiểm đếm tại chỗ. Thông qua kết quả thu thập sẽ tổng hợp và phân tích thông tin rác thải trôi dạt vào bãi biển thường xuyên.

Ban hành các kế hoạch liên quan

Tháng 5/2023, UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Kế hoạch nhằm mục tiêu đảm bảo tài nguyên biển của tỉnh Nam Định được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát; đa dạng sinh học biển, ven biển được bảo vệ, duy trì và phục hồi;…

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Nam Định đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đối với vùng biển tỉnh Nam Định để phát triển kinh tế biển cùng với bảo vệ môi trường biển, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn, biên giới biển tỉnh Nam Định.

Phân vùng sử dụng không gian biển, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển. Ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển ngành thuỷ sản toàn diện trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến.

Đẩy mạnh đầu tư mới hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp phục vụ phát triển công nghiệp, hoàn thành hạ tầng và sớm lấp đầy Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Cụm công nghiệp Thịnh Lâm – Giao Thủy, Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân – Hải Hậu. Hoàn thành đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.

Phát triển nhanh, đa dạng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng gắn với phát triển du lịch các địa điểm: Vườn Quốc gia Xuân Thủy, các khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu Nhà thờ đổ Văn Lý, các mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới…

Bảo vệ môi trường biển, công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn ô nhiễm môi trường biển cần được thực hiện định kỳ nhằm tăng cường năng lực và chủ động kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề môi trường biển của tỉnh.

Tăng cường năng lực hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên môi trường biển và ưu tiên nguồn lực từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến 2030, theo mục tiêu tỷ lệ thu hồi, xử lý rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển đạt 100%.

Thiết lập, mở rộng và nâng cao năng lực quản lý các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các loài thủy sản. Đến năm 2030, 100% các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn nhằm ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, sự du nhập các giống, loài thủy sản ngoại lai và sự du nhập sinh vật ngoại lai qua hoạt động vận tải biển.

 

Nguồn: Tạp chí điện tử Tài Nguyên và Môi trường

Nguyễn Lan Hương st