Dự án “Huế – Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đang thực hiện rất tốt và đơn vị sẽ cam kết nỗ lực hỗ trợ TP. Huế thực hiện bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện tham gia cho các bên liên quan, cung cấp các hướng dẫn triển khai và hỗ trợ nguồn lực, nhằm đạt được mục tiêu không còn rác thải nhựa ngoài môi trường tự nhiên vào năm 2030.

Tại Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa tại các đô thị”, ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cam kết, đến năm 2024 sẽ trở thành đô thị giảm nhựa với 70 % chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi, mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Dự án “Huế – Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam” (Dự án TVA) được triển khai thực hiện với sự tài trợ của WWF-Na Uy, thông qua WWFViệt Nam, và tiếp nhận bởi UBND tỉnh và UBND thành phố là đơn vị chủ quản dự án. Dự án được triển khai từ năm 2021 đến 2024 với mục tiêu là hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa; giảm được 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024.

Huế là đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới đã ký kết tham gia vào mạng lưới Sáng kiến các Đô thị giảm nhựa. Để đạt được mục tiêu nói trên, TP. Huế đã và đang huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị – các cấp chính quyền, các hội đoàn thể, và cộng đồng người dân cùng các đơn vị kinh doanh trong việc xây dựng thói quen giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần và sử dụng các đồ dùng cá nhân thay thế nhựa như túi xách, làn đi chợ, bình nước… Tích cực kêu gọi người dân phân loại rác tại nguồn.

Trong thời gian vừa qua, thành phố Huế đã triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 1 trên địa bàn 23 phường xã và đang thực hiện giai đoạn 2 cho 13 phường xã còn lại, đã tiến hành lắp đặt hơn 500 thùng lưu chứa rác sau phân loại, 53 mô hình ngôi nhà xanh tại nhiều phường xã trên địa bàn.

Bên cạnh đó, TP. Huế cùng với Dự án triển khai các chiến dịch truyền thông lớn với đông đảo người dân tham gia như Sự kiện “Người dùng hiện đại không ngại giảm nhựa”; cuộc thi sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa Huế 2023; ngày hội tái chế; sự kiện “Đi bộ nhặt rác”,… nhằm hưởng ứng và hình thành các thói quen giảm nhựa. TP. Huế đã kêu gọi và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong các hoạt động giảm nhựa.

TP.Huế đã vận động Co.op Mart Huế, Siêu thị Go! Huế và chợ Đông Ba tham gia vào Sự kiện “Tuần lễ không túi Ni lông” khuyến khích người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi mua sắm. Ngoài ra, TP. Huế đã và đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh thực hành giảm nhựa tại các doanh nghiệp du lịch – dịch vụ, khách sạn – nhà hàng trên địa bàn. Ngoài ra, với mô hình kinh doanh nông sản kiểu mới – mua sắm không cần bao bì đóng gói thông qua “Trạm tái nạp đầy – Refill Station” là một nỗ lực của chúng tôi nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng xanh, giảm sử dụng nhựa tại Huế.

Đến nay, trên địa bàn thành phố Huế đã có 18 phường, xã trực tiếp đồng hành cùng dự án áp dụng các can thiệp giảm thiểu rác thải nhựa, 36 phường xã đã và đang triển khai phân loại rác tại nguồn, 43 trường học áp dụng mô hình giảm nhựa, 30 doanh nghiệp cam kết tham gia giảm nhựa và gần 40.000 người dân Huế được tuyên truyền trực tiếp cũng như hàng trăm ngàn người được tuyên truyền gián tiếp về phân loại rác tại nguồn và giảm rác thải nhựa.

Nguồn: Tạp chí điện tử Tài Nguyên và Môi trường

Nguyễn Lan Hương st