155. Khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương 2017

Tối 8/4, tại Quảng trường Trung tâm Hành chính tập trung (khu vực thành phố mới) tỉnh Bình Dương, đã diễn ra chương trình khai mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương 2017 với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ – Báu vật đất Phương Nam”.

Tham dự lễ khai mạc có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; đại diện các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và tỉnh Lào Cai là đơn vị kết nghĩa với tỉnh Bình Dương.

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức Festival Trần Thanh Liêm nhấn mạnh: Tiếp nối thành công của Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu năm 2014, tỉnh Bình Dương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II năm 2017.

Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II gồm chuỗi hoạt động nghệ thuật được Ban tổ chức và các nghệ nhân, nghệ sĩ đầu tư công phu và ấn tượng. Khơi dậy sự đam mê và mang lại niềm tin cho các nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc nỗ lực bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử; góp phần cho Đờn ca tài tử không bị mai một, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin với các thiết bị truyền thông đa phương tiện như hiện nay.

Bên cạnh việc quảng bá về đất nước Việt Nam và quê hương Nam Bộ; Festival lần này còn là sân chơi lành mạnh cho những ai yêu thích Đờn ca tài tử; là nơi vinh danh và tưởng nhớ đến các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh đã cống hiến cho sự phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Cũng qua Festival, các nhà quản lý, các nghệ nhân, nghệ sĩ được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm; luôn đoàn kết chung tay bảo tồn bộ môn Đờn ca tài tử vì mục tiêu phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển văn hóa, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng.

Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã biểu dương các tỉnh, thành Nam Bộ, các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ và kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp tích cực về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ với nhiều hoạt động, nhiều hình thức phong phú, hiệu quả.

Theo Ban Tổ chức, hiện dạng thức Câu lạc bộ Đờn ca tài tử đã lan tỏa tới 21 tỉnh, thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Tính chất đặc biệt của dòng âm nhạc này đã lay động tâm hồn mộ điệu của các ban nhóm hoạt động âm nhạc cổ truyền trong cả nước. Ngay trên những vùng đất của Ca trù, Quan họ, Bài chòi, những buổi sinh hoạt văn hóa ở gia đình hay các câu lạc bộ, làn điệu Tài tử – Cải lương vang lên như một minh chứng hùng hồn về sức sống mãnh liệt và sự hấp dẫn đến say đắm lòng người của dòng âm nhạc đặc trưng ở Phương Nam.

Cũng trong lễ khai mạc, khán giả có dịp thưởng thức chương trình với chủ đề “Báu vật đất Phương Nam” và chương trình chắp cánh cho hồn nhạc bay xa, trong đó ấn tượng nhất chính là phần hòa tấu của 2 nhóm nhạc đại diện Miền Đông và Tây Nam Bộ qua điệu Xàng xê nhịp tám, thu hút sự chú ý của hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh Bình Dương. /.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255