233. Công nhận Hải Vân Quan là di tích quốc gia

Ngày 14/4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Hải Vân Quan là di tích quốc gia.

Di tích quốc gia Hải Vân Quan thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Việc Hải Vân Quan được xếp hạng là di tích cấp quốc gia là cơ sở để các địa phương bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của di tích này.

Hải Vân Quan được xây từ thời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7, 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Một bên góc bảng còn ghi thêm “Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo”, tức là làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).

Ở độ cao 490 m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công… Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vì vậy, triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.

Theo Đại Nam Thực Lục, sau khi trùng tu Hải Vân Quan, triều đình đã “phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, súng phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên trấn thủ đóng giữ”.

Như vậy, Hải Vân Quan là công trình có giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự, gắn liền với vương triều nhà Nguyễn. Tuy nhiên, do nằm giữa địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP. Đà Nẵng, nên suốt nhiều năm liền Hải Vân Quan không có sự thống nhất trong quản lý, bảo vệ và dần trở thành phế tích.

Trước thực trạng này, vào cuối năm 2016, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng đã phối hợp bàn giải pháp cứu di tích này. Hai bên thống nhất cùng lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia đối với di tích này.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Quốc Thiện cho biết, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng đã có sự thống nhất trong công tác quản lý, khai thác di tích Hải Vân Quan, đẩy nhanh tiến độ trùng tu di tích, phục hồi, từng bước trả lại vẻ đẹp vốn có của Hải Vân Quan. Trước mắt, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ đầu tư kinh phí trùng tu, phục hồi Hải Vân Quan.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, trong thời gian tới, Hải Vân Quan sẽ được Trung tâm đưa vào danh mục các công trình thuộc di tích triều Nguyễn trong hồ sơ tái đề cử Quần thể di tích Cố đô Huế là Cảnh quan Văn hóa thế giới đệ trình UNESCO.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255