Ðiểm đến hấp dẫn của vùng văn hóa xứ Ðoài

Xứ Ðoài, Hà Nội (Hà Tây trước đây) có mật độ di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khá đậm đặc, tiêu biểu là làng “hai vua” Ðường Lâm, có núi Tản Viên – Ba Vì, ngọn núi thiêng gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh; có rối nước truyền thống Thạch Xá, Thạch Thất. Nằm trong vùng văn hóa lâu đời ấy có xã Chàng Sơn xưa kia thuộc về Tổng Nủa (trung tâm huyện Thạch Thất ngày nay), một vùng quê đậm đà bản sắc.

Xa xưa trước đây, Chàng Sơn còn được gọi là Nguyễn Xá Trang và từng được chọn làm huyện lỵ từ năm 1788. Cũng trong khoảng thời gian từ đó đến nay, nhờ sự khéo léo và sức sáng tạo, kinh doanh mà ở Chàng Sơn đã dần hình thành nhiều nghề cha truyền, con nối khá độc đáo. Theo khảo sát, Thạch Thất có khoảng 16 nghề truyền thống nổi tiếng thì riêng Chàng Sơn đã có các nghề là: dệt lụa, làm quạt giấy, dép dứa, làm mộc, thợ nề, làm mành trúc, bánh kẹo, đan thuyền… Riêng về nghề mộc, sự tài hoa của người thợ mộc đất Chàng đã lan tỏa lâu nay với không biết bao sản phẩm đến với mọi miền đất nước cùng nhiều công trình kiến trúc đình, chùa được họ dựng xây và từng đi vào thơ văn. Trong thiên ký sự Vang bóng một thời, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng kể có một lần Ðức Thánh Tản giả làm người thường đi về Chàng Sơn đón một người thợ mộc về làm ngôi đền cho mình ở trên núi Ba Vì. Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, nhưng phải chăng trong đó thấp thoáng một thực tế, phải chăng nghề mộc ở vùng đất cổ nơi đây đã có cách ngày nay hàng nghìn năm, từ cuối thời Hùng Vương. Có lẽ cũng vì thế mà dân gian có câu Tổng Nủa ngang dọc tám thôn/Ðất khôn dụng võ, khéo khôn trăm nghề.

Không những giỏi nghề thủ công truyền thống, Chàng Sơn còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, nơi lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng và sân khấu dân tộc, trong đó có nghệ thuật múa rối nước vốn góp phần làm nên thương hiệu văn hóa của Việt Nam. Rối nước đất Chàng đã có dễ đến vài trăm năm tuổi và có những gia đình nghệ nhân vẫn lưu giữ được những con rối cổ đã từ mấy đời truyền lại. Hiện nay, phường rối Chàng Sơn còn khoảng 20 nghệ nhân với 22 tích trò biểu diễn. Nhiều người trong số họ vốn là những thợ mộc có tay nghề cao, đồng thời cũng là những nghệ nhân thiết kế sáng tạo con rối và biểu diễn rối nổi tiếng. Bằng tài năng, trí tưởng tượng và sự khéo léo của đôi tay, họ đã tạo ra không ít “nhân vật” rối có tính cách, tâm hồn, chuyển tải được các thông điệp mang đầy ý nghĩa giáo dục, răn dạy của người xưa trong các tích trò vào cuộc sống đời thường. Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Quỹ Văn hóa Việt Nam – Thụy Ðiển hỗ trợ, phường rối Chàng Sơn đã có được nhà thủy đình kiên cố trên ao làng và cả nhà thủy đình cơ động cho những chuyến đi xa. Những năm gần đây, phường rối thường xuyên được mời đi lưu diễn và biểu diễn ngay tại làng để phục vụ khách du lịch đến với Chàng Sơn. Nhiều tiết mục, chương trình rối tham dự các liên hoan, hội diễn đã giành nhiều giải thưởng cao và được nhận bằng khen, để lại ấn tượng sâu đậm với công chúng.

Bên cạnh các di sản văn hóa phi vật thể, Chàng Sơn có nhiều đình, đền, chùa và nhà cổ được giữ nguyên vẹn, tạo nên nét hấp dẫn mang tính đặc trưng của vùng quê nông thôn xứ Ðoài, thu hút khách du lịch. Dân làng đã cùng nhau góp sức, chung tay phục hồi và tôn tạo lại đình làng để thờ tam vị Ðức Thánh Tản là ba anh em: Tản Viên Sơn, Ðức Cao Sơn, Ðức Quý Minh. Trong đình còn thờ Trương Chủng, tên húy là Quý Lương, một vị danh tướng của thời Lý Nam Ðế.

Nổi tiếng “đất khôn dụng võ, khéo khôn trăm nghề”, người Chàng Sơn cũng được biết đến trong các lĩnh vực văn chương, nghệ thuật và sự năng động trong kinh doanh, làm ăn. Và dù có đi đâu, làm gì, họ luôn hướng về quê cha, đất tổ, thấm nhuần đạo lý truyền thống của quê hương như cố nhà văn Nguyễn Sơn Ðỗng đã từng viết trong tiểu thuyết Xứ Ðoài mây trắng về những gia đình người Chàng Sơn tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc và truyền thống gia đình “đã bao đời đều lấy việc chí nhân làm gốc, lấy việc sống của mình sao cho người ta nhìn vào đều cảm thấy đời đáng sống”. Một trong những việc làm như vậy là các cuộc giao lưu nghệ thuật, sáng tác mỹ thuật tôn vinh di sản văn hóa xứ Ðoài do Viện quản trị nhân lực – nhân tài Hùng Vương (HVTalent) tổ chức, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và giới nghệ sĩ. Ðã nhiều buổi, trong cái nắng gay gắt đầu mùa hè, trên sân đình Chàng Sơn, các họa sĩ, kiến trúc sư trẻ vẫn miệt mài nghiên cứu, trao đổi với nhau về từng hoa văn, nét kiến trúc và đưa vào trong các tác phẩm của họ.

Theo Viện trưởng Nguyễn Thị Kim Ðức, những tác phẩm hội họa, điêu khắc về làng quê Việt Nam được hình thành từ các đợt giao lưu sáng tác sẽ giúp thế hệ trẻ không quên nguồn cội, tình yêu quê hương và lưu giữ phần nào các giá trị di sản cho mai sau. Hoạt động của HVTalent cũng là cách nâng cao nhận thức, khơi dậy tình cảm, ý thức trách nhiệm của cộng đồng với những di sản văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đặc trưng của một vùng quê xứ Ðoài, thúc đẩy du lịch phát triển.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137