Người Pháp kể chuyện Điện Biên Phủ

Kể lại trận chiến lừng danh thế giới Điện Biên Phủ năm 1954 qua lịch sử, văn chương như thế nào, đó là điều mà các sử gia và tác giả Pháp băn khoăn suốt một thời kỳ dài ….

Một số học giả người Pháp như GS sử học Pierre Journoud (Trường đại học Paul – Valéry Montpellier), GS văn học Laurence Campa (Trường đại học Sorbonne Nouvelle – Đại học Paris 3), nhà thơ trẻ người Pháp gốc Cameroon Marc-Alexandre Oho Bambe… đã kể lại những câu chuyện về cách người Pháp kể lại trận chiến Điện Biên Phủ trong lịch sử và văn thơ như thế nào, trong cuộc trò chuyện diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace, số 24 Tràng Tiền, Hà Nội).

GS sử học Pierre Journoud là tác giả của một số tập sách về trận chiến Điện Biên Phủ như “Tướng De Gaulle và Việt Nam: 1954 – 1969”, “Hòa giải” (2011), “Hồi ức Điện Biên Phủ: Các nhân chứng lên tiếng” (2004), và cuốn sách mới nhất “Điện Biên Phủ – Nơi tận cùng thế giới” – vừa xuất bản vào tháng 4.

GS Pierre Journoud cho biết, trong lịch sử, các nhà sử học không thể nào kể được hết các câu chuyện, nhất là đối với một trận chiến lớn như Điện Biên Phủ. Vì thế, lịch sử không thể thiếu được văn học. Và nhiều tác giả Pháp đã lựa chọn văn học để kể lại, cũng như phản ánh quan điểm của mình về trận chiến. Văn học không bị gò bó bởi những quy tắc, quy chuẩn…, họ được thoải mái và tự do trong con đường của mình để kể lại lịch sử, cũng như những cảm xúc của mình.

Nói về trận chiến Điện Biên Phủ, GS Pierre Journoud cho biết, từ năm 1968 cho đến nay, nhiều nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương, về Điện Biên Phủ đã được công bố tại Pháp. Các nhà sử học, nhà nghiên cứu cũng đã tìm cách tiếp cận theo những hướng mới với Điện Biên Phủ, như nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật quân sự của người Việt trong quá khứ để dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ, hay tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ tới những nước ở thế giới thứ ba…

Còn GS văn học Laurence Campa lại cung cấp một thực tế khá thú vị, là trận chiến này vẫn còn được ít nhắc đến trong những tác phẩm văn học Pháp. “Tôi đã cố gắng dựng lên một bức tranh tổng thể về Điện Biên Phủ – một thất bại của Pháp, nhưng rất khó nói. Nhưng ở một khía cạnh khác, trận Waterloo cũng là một thất bại khác, nhưng lại được nhắc đến nhiều trong văn học, lịch sử”. Các nhà văn, chính khách… rất kín tiếng khi nói về cuộc chiến này. Theo bà, một trong những nguyên nhân là bởi “đây là thất bại của Pháp, và tất nhiên người ta luôn khó nói về thất bại của mình”. Tuy nhiên, qua một thời gian, khi chủ nghĩa hùng ca không còn được ưa chuộng nữa và đã trở nên lỗi thời, các tác phẩm văn học đã có cách tiếp cận cuộc chiến của riêng mình. Chẳng hạn như “La battle de Dien Bien Phu” của Jules Roy – người đã từng ở trong cuộc chiến, và sau khi rời khỏi cuộc chiến năm 1953, đã trở thành một nhà văn thực thụ. Nhiều nhà văn cũng như trí thức khác của Pháp cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ cuộc chiến của Việt Nam. Và văn học Pháp cũng đã tiếp nhận những bản dịch thơ cũng như văn xuôi của văn học Việt Nam. Thậm chí có những ý kiến cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ làm nhiều người vui mừng vì chấm dứt được những sai lầm trước đó và nỗi đau của lịch sử.

Marc Alexandre Oho Bambe là một trong những tác giả tìm thấy sự cuốn hút của đề tài Điện Biên Phủ.

Ông chia sẻ: “Tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết kể về một người lính Pháp đã có mặt trong trận chiến Điện Biện Phủ. Anh trở lại nơi này sau 20 năm trận chiến kết thúc để tìm lại người phụ nữ anh yêu và cũng để tìm lại chính mình. Nơi đây là nơi anh ta như sinh ra một lần nữa và cũng là nơi chết đi một phần con người mình. Một cuốn tiểu thuyết không chỉ mang đến những thông tin của lịch sử mà còn là những câu chuyện của con người, của những người đàn ông, đàn bà, những đứa trẻ trong cuộc chiến. Những con người có thể đối đầu trong một cuộc chiến, nhưng họ cũng giống nhau khi cùng khóc cùng cười với ngôn ngữ của trái tim.

Lịch sử trận chiến Điện Biên Phủ đã và đang được người Pháp kể lại theo nhiều cách. Và qua đó, văn học đã bổ trợ cho lịch sử để thế hệ sau có được cái nhìn đầy đủ nhất về cuộc chiến mà cha ông họ đã từng trải qua.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137