Tạo ra giá trị cho cộng đồng từ du lịch tình nguyện

Khái niệm về du lịch tình nguyện đã không còn xa lạ với nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi. Thời gian qua, ở nhiều địa phương đã xuất hiện mô hình du lịch tình nguyện hoạt động mang tên gọi “Tình nguyện vì giáo dục” (gọi tắt là V.E.O), đã và đang mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng cao.Chọn giáo dục làm mục tiêuAnh Nhữ Ngọc Thịnh, Điều phối viên của V.E.O chia sẻ: Đội ngũ tình nguyện của V.E.O đã đi thực tế tại các địa điểm, đến với các vùng dân nghèo, quyên góp ủng hộ đồ dùng, thực phẩm… Nhưng, sau một thời gian quay lại, nhận thấy việc ủng hộ chỉ mang tính thời vụ, không đem lại giá trị lâu dài cho người dân. “Vì vậy, chúng tôi đã suy nghĩ tìm cách xây dựng mô hình du lịch bền vững , kết hợp giáo dục phi chính quy, định hướng phát triển du lịch cộng đồng, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân địa phương qua các chuyến du lịch của các tình nguyện viên”.Nói về hoạt động của V.E.O, anh Thịnh cho biết thêm: Trước khi bắt đầu mỗi một chuyến đi, các tình nguyện viên phải lên kế hoạch cụ thể, trao đổi trước với địa phương nơi mình sắp đến, để chuyến đi được thuận lợi nhất. Chúng tôi luôn ưu tiên các hoạt động cộng đồng như: dạy tiếng Anh, dạy các kỹ năng sống cho trẻ em; tư vấn, định hướng làm du lịch cho bà con địa phương.Điển hình như, tại xã vùng cao Lô Lô Chải (huyện Đồng Văn-Hà Giang), đội ngũ V.E.O đã tìm hiểu và được biết, tỉnh Hà Giang định hướng Lô Lô Chải trở thành làng văn hoá. Nhưng thời điểm đó, bản làng này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Vì thế, cuối năm 2016, V.E.O phối hợp cùng Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đưa Lô Lô Chải thành điểm dự án và xây dựng kế hoạch du lịch tình nguyện.

Với 3 homestay là Homie, Homie love và Homie sound, V.E.O vừa phối hợp xây dựng từ những viên gạch đầu tiên, vừa đóng vai trò là những người trải nghiệm dịch vụ, từ đó đưa ra những góp ý để hoàn thiện cách làm dịch vụ cho người dân địa phương. Sau một thời gian triển khai, Dự án đã thu được những kết quả tích cực. Chủ các mô hình Homestay tại đây đã có thể tự đứng ra tổ chức, đón khách đến tham quan, kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch.

Nhìn chung, các điểm Dự án của V.E.O đều thu về những hiệu quả tích cực, trung bình một tháng, một điểm đón hơn 10 đoàn khách (mỗi đoàn khoảng 10 đến 20 người). Các Homestay đã có nguồn khách ổn định, không còn phụ thuộc vào mùa vụ như trước nữa.

Hướng đến trẻ em

V.E.O còn xây dựng Dự án “Khoảng trời trong veo” và “Tủ sách trong veo”. Đây là dự án xây dựng khu vui chơi và dạy học cho trẻ em các dân tộc vùng cao. Xuất phát từ các chuyến du lịch tình nguyện, nhận thấy tại điểm dự án các thiết bị vui chơi cho trẻ em bị hỏng hóc nhiều. Do không có nơi vui chơi, trẻ em đã rủ nhau trèo cây, bơi sông, hồ…  tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. V.E.O đã quyết định, hỗ trợ xây lắp thêm các thiết bị vui chơi mới như: Xà đơn, xích đu, cầu khỉ, dây chằng lưới… với nguồn lực được vận động từ cộng đồng, các mạnh thường quân và các doanh nghiệp. Hiện, Dự án đã hoàn thành tại xã Phụ Mẫu, huyện Vân Hồ, Sơn La (tháng 7/2020) và xã Bản Lạng, huyện Xuân Sơn, Phú Thọ (tháng 3/2021).

Cùng với tổ chức hoạt động vui chơi cho các em, V.E.O cũng thường xuyên tổ chức dạy học cho trẻ em. Tận dụng các địa điểm trường học, nhà văn hoá, nhà dân hay chính sân chơi mình xây dựng, các tình nguyện viên của V.E.O đã tổ chức các buổi học tiếng Anh miễn phí và các buổi học kỹ năng sống như: Cùng rửa tay phòng dịch Covid-19; bài học về thực hành vệ sinh ăn uống…

Tham gia hai chuyến đến Mai Châu (Hoà Bình) và xã Lô Lô Chải (Hà Giang), chị Nguyễn Mai Hương, một tình nguyện viên cho biết: “Tham gia hoạt động cùng V.E.O, mình không những được chiêm ngưỡng thiên nhiên tươi đẹp, được khám phá những nét đẹp văn hoá của các DTTS, mà còn được trở thành cô giáo không chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ em vùng cao. Thực sự đó là những chuyến đi trải nghiệm rất đáng nhớ!”.

Nhiều giá trị cho cộng đồng

Từ thực hiện mô hình du lịch tình nguyện, cuộc sống người dân một số địa phương nơi V.E.O đặt chân đến, đã có những thay đổi đáng kể. Xét theo khía cạnh kinh tế, việc các nhóm tình nguyện đến địa phương hàng tháng, hàng tuần đã góp phần tạo nên một lượng khách ổn định. Đặc biệt, tại một số điểm Dự án mà V.E.O đã gắn bó lâu dài, số lượng Homestay tăng nhanh và phát huy được hiệu quả. Người dân địa phương được tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ…

Đối với môi trường, V.E.O thường xuyên lồng ghép vào các buổi dạy học cho các em, hay những buổi định hướng làm du lịch cho người dân địa phương về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ngay với chính các tình nguyện viên, mỗi chuyến đi luôn được khuyến khích không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, không xả rác ra môi trường xung quanh.

Từ kết quả đạt được, du lịch tình nguyện đang được mở rộng quy mô. Hiện nay, tổ chức giáo dục vì cộng đồng V.E.O đã xây dựng được chương trình du lịch tình nguyện đến 15 địa điểm trên cả nước, trong đó, 11 địa điểm tại miền Bắc và 4 địa điểm tại miền Nam. Tiêu biểu như: bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ), xã Lô Lô Chải, huyện Đồng Văn (Hà Giang), xã Tả Van, huyện Sa Pa (Lào Cai), hai dự án tại huyện Di Linh (Lâm Đồng), huyện Châu Thành (Trà Vinh)… thu hút hơn 23 nghìn tình nguyện viên đăng ký tham gia.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60